Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Mùa mận chín ở “cổng trời” Mường Lống

Nguyễn Thanh - 16:08, 31/05/2022

Những nương mận trải dài trên triền núi, bạt ngàn quanh nhà sàn… “Thủ phủ” của cây thuốc phiện năm xưa, nay đã trở thành “vương quốc” của mận tam hoa. Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang vào mùa mận chín.


Bà con người Mông ở bản Mường Lống 2 thu hoạch mận
Bà con người Mông ở bản Mường Lống 2 thu hoạch mận

Mận Lào Cai bén duyên đất Nghệ

Những năm 90 của thế kỷ trước, Mường Lống được xem là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Nhưng cuộc sống người Mông ở đây vẫn quẩn quanh bế tắc bởi tệ nạn nghiện hút, tập quán du canh, du cư, đốt nương làm rẫy…

Phải xóa bỏ cây thuốc phiện. Đó là mệnh lệnh, là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Thế rồi, cây thuốc phiện nhổ bỏ đến đâu, cây mận tam hoa được trồng đến đấy.

Bản Trung Tâm, bản Mường Lống 1, Mường Lống 2 của xã Mường Lống tham gia trồng mận tam hoa đầu tiên, với tổng diện tích lên đến 23ha. Giống mận được lấy từ Bắc Hà (Lào Cai).

Ghé thăm vườn mận nhà Hờ Chồng Pó ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống, thấy ông Pó cùng người nhà đang hối hả hái quả. Những quả mận đỏ sẫm, căng mọng được ông Pó thoăn thoắt hái từ cành rồi nhẹ nhàng bỏ vào gùi. Ông Pó bảo: Mùa mận chỉ kéo dài chừng một tháng, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 thôi. Bởi vậy, thu hoạch phải nhanh, bán cũng phải nhanh.

Ông Pó sở hữu vườn mận rộng 2,3 ha với gần 300 gốc mận, những năm được mùa, gia đình ông thu về hàng tấn quả, cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

ông Hờ Xìa Của, cũng ở bản Mường Lống 2 xã Mường Lống thu hái mận
ông Hờ Xìa Của, ở bản Mường Lống 2 xã Mường Lống thu hái mận

Nhà ông Hờ Xìa Của, cũng ở bản Mường Lống 2 xã Mường Lống cũng đang sở hữu nhiều gốc mận trĩu quả. Ông Của cho biết: Khí hậu ở đây rất hợp với cây mận nên phát triển tốt. Chúng tôi không thấy có sâu bệnh, cũng không cần chăm sóc nhiều; cây cứ thế ra hoa rồi đậu quả, chín là hái bán thôi. Năm nay, mận chín khá đều, bán được 15.000 đồng/kg.

Sau hàng chục năm bén duyên nơi miền rẻo cao xứ Nghệ, diện tích giống mận tam hoa đã khoảng 50ha, được trồng tại nhiều xã của huyện Kỳ Sơn như Mường Lống, Nậm Cắn, Đoọc Mạy, Na Ngoi, Tây Sơn, Nậm Càn, Huồi Tụ... Năng suất cây mận chừng 5 tấn/ha, mỗi năm thu về cho Kỳ Sơn trên dưới 200 tấn quả. Đầu mùa, quả đẹp lại khan hàng nên được bán với giá 15.000 đồng/kg, sau đó vào mùa rộ, giá giảm dần.

Mường Lống đang vào mùa mận
Mường Lống đang vào mùa mận

Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn) Lầu Bá Chò thông tin: Đất Mường Lống rất hợp với mận và đào, những gốc mận cứ vậy sinh sôi, phát triển, đơm hoa cho quả hoàn toàn nhờ dưỡng chất tự nhiên từ trời đất.

Mận tam hoa Kỳ Sơn đã trở thành cây đặc sản của vùng đất, thành nguồn thu nhập hàng năm của bà con nơi rẻo cao. Theo đánh giá chung, mận Mường Lống có chất lượng không hề thua kém quả mận được trồng ở những vùng đất khác, thậm chí còn ngọt giòn hơn, sau thu hái có thể để tươi ở nhiệt độ thường được 6 - 7 ngày.

Huyện Kỳ Sơn và ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, tìm hướng đi nâng cao giá trị sản phẩm mận Kỳ Sơn
Huyện Kỳ Sơn và ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, tìm hướng đi nâng cao giá trị sản phẩm mận Kỳ Sơn

“Mở lối” mới cho cây mận

Kể về đường đi của quả mận đến tay người tiêu dùng, ông Lầu Bá Chò, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống kể: Hàng năm, thương lái vào tận nơi đặt mua cả vườn, nhưng những vườn trồng rải rác thì rất khó bán. Chúng tôi cũng đã bằng mọi cách để tìm thị trường cho bà con, nhưng vẫn còn một sản lượng lớn mận không tiêu thụ được.

Chúng tôi đã đi tìm nguyên nhân và nhận thấy, có nhiều lý do khách quan dẫn tới mận tam hoa của bà con chưa tiêu thụ thuận lợi. Đó là thời vụ ngắn, giao thông đi lại khó khăn, thậm chí ngay cả người dân nơi đây, hầu hết vẫn chưa có tư duy làm kinh tế từ cây mận. Trừ một số hộ trồng tập trung, coi mận là hàng hóa, còn lại vẫn còn coi đó là “lộc trời”, chưa quan tâm chăm sóc, thu hoạch, hầu hết chỉ thu hái tự nhiên, hầu như chưa có đóng gói, tem nhãn mác. Hiện, nhiều diện tích mận đã có dấu hiệu thoái hóa dẫn tới chất lượng sản phẩm giảm sút.

Theo đại diện lãnh đạo các địa phương, nếu được hỗ trợ về thương hiệu, quảng bá sản phẩm có thị trường, có đầu ra ổn định, Mường Lống có thể mở rộng trên 100ha mận, tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê chia sẻ: Mận là loại cây có thể giúp người dân vùng núi cao huyện Kỳ Sơn thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Nhưng khó khăn nhất vẫn là đầu ra sản phẩm. Chúng tôi đã xác định, đây là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, nên đã có nhiều giải pháp để mở hướng đầu ra cho cây mận.

Vườn mận đang trở thành diểm chek-in lí tưởng của nhiều du khách
Vườn mận đang trở thành diểm chek-in lí tưởng của nhiều du khách

Hướng đi mới ấy, được minh chứng bằng việc UBND huyện Kỳ Sơn vừa tổ chức Ngày hội hái mận năm 2022 tại xã Mường Lống, diễn ra trong ba ngày từ ngày 27-29/5, với các hoạt động như: Hội thi mận đẹp, lễ hội chọi trâu, bò, đốt lửa trại, chụp ảnh lưu niệm… Cùng với việc tìm đầu ra sản phẩm, mở rộng diện tích, huyện cũng sẽ quan tâm đến vấn đề đầu tư thâm canh, để làm sao vẫn giữ được “thương hiệu” mận sạch, hoàn toàn đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm, nhưng cũng phải có năng suất, chất lượng cao hơn nữa, tăng giá trị sản phẩm cũng như sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong cuộc trao đổi gần đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nghệ An Võ Thị Nhung nhìn nhận, vấn đề lâu dài, là phải xây dựng được thương hiệu, nhãn mác cho quả mận; có giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Thời gian tới, cùng với hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phục hồi những vườn mận hiện đã già cỗi để có sản phẩm quả to, đẹp, chất lượng hơn, thì dự kiến một số diện tích sẽ được trồng mới theo hướng đầu tư thâm canh; đồng thời xây dựng các khu du lịch sinh thái ở các xã trồng mận nhằm góp phần quảng bá sản phẩm mận tam hoa Kỳ Sơn trong thời gian tới.

Hiện nay, nhiều ý tưởng dựa vào cây mận để đầu tư xây dựng các homestay, farmstay phục vụ du khách, tăng thu nhập cho người dân đang được khảo sát để triển khai. Bảo tồn cây mận kết hợp với du lịch sẽ là hướng đi mới cho “cây xóa đói” nơi “cổng trời” huyện Kỳ Sơn này.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.