Tăng ni, phật tử trao quà cho hộ dân bị ảnh hưởng bão lũ năm 2024 ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên BáiChung tay với hoạt động an sinh xã hội
Xuyên suốt theo tư tưởng Phật pháp là từ, bi, hỷ, xả. Đó cũng chính là yếu tố nội tại để mỗi tín đồ tự tâm, tự nguyện làm việc thiện, theo tinh thần “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, “Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phúc cứu cho một người”.
Thực hiện lời Phật dạy “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”, trên tinh thần từ bi, cứu khổ của đạo Phật và truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, tự bản thân mỗi tăng ni, phật tử đều giác ngộ được việc làm từ thiện là trách nhiệm của mình. Ngoài ra, các vị bằng hạnh từ bi đã tạo được niềm tin sâu sắc để kêu gọi các “mạnh thường quân” cùng tham gia ủng hộ.
Nhập thế giúp đời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn coi công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác phật sự trọng tâm của Giáo hội và của tăng ni, phật tử. Nhiều năm qua, công tác từ thiện đã tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật, những hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai… với hàng trăm cơ sở hoạt động tích cực, hiệu quả.
Cùng với đó, Giáo hội Phật giáo đã tổ chức các trường hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm miễn phí. Qua thông tin sơ bộ, hiện cả nước có 10 trường dạy nghề miễn phí với các nghề như: may, điện gia dụng, tin học, sửa chữa máy móc, cắt tóc... do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương tổ chức. Những giá trị của công tác giáo dục dạy nghề, dạy ngoại ngữ miễn phí của Phật giáo chính là đang chung tay giúp giảm gánh nặng cho xã hội bằng việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn sớm vượt qua nghịch cảnh để ổn định cuộc sống… sau khi có nghề nghiệp.
Một điều rất đáng quý, từ gần 170 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 10 phòng khám đa khoa đang hoạt động… đã là khởi phát của những hoạt động có hiệu quả như khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người mỗi năm.
Đại đức Thích Đồng Quảng trao quà tại Lớp học tình thương làng bè hồ Trị An, thành phố Thủ ĐứcChính tư tưởng, cách làm của những phật tử đã chạm đến tấm lòng nhân ái, sẻ chia của cộng đồng xã hội. Và rồi, kẻ ít, người nhiều; lực lượng tham gia các hoạt động an sinh xã hội do Giáo hội Phật giáo tổ chức đã thu hút đông đảo những người thiện tâm thuộc các thành phần xã hội và lứa tuổi khác nhau. Và, hoạt động an sinh xã hội chính là điểm sáng, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế giúp đời” của Phật giáo Việt Nam; tác động rất lớn đến toàn xã hội, chạm đến trái tim yêu thương, động lòng trắc ẩn của mỗi con người.
Chả thế mà con số từ thiện, an sinh xã hội thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày một dày thêm theo năm tháng. Chỉ tính riêng năm 2024, Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh thành đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác từ thiện xã hội, với hơn 578 tỷ đồng. Tổng số tiền Ban Từ thiện Xã hội các tỉnh thực hiện năm 2024 cũng hơn 3.288 tỷ đồng.
Tiếp tục phát huy vai trò Phật giáo trong giai đoạn mới
Trong giai đoạn hiện nay, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc”, Phật giáo tiếp tục tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước thông qua các hoạt động phật sự và hoạt động xã hội hướng đến con người, vì con người.
Một điều có thể thấy rõ, những năm qua, việc đổi mới chủ trương, chính sách của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo đã thổi luồng gió mới vào các hoạt động tôn giáo, trong đó có hoạt động của Phật giáo. Nhờ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, nguồn lực tôn giáo được phát huy, nhất là trong công tác an sinh xã hội.
Thượng toạ Thích Minh Quang - Phó trụ trì chùa Tam Chúc cùng bà con phật tử tham gia chương trình "Vạn bánh chưng xanh dành tặng người nghèo dịp tết Nguyên đán 2025".Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội, trong đó có vai trò của Phật giáo, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Định hướng đó tạo điều kiện cho các tôn giáo, trong đó có Phật giáo tham gia ngày một nhiều hơn, hiệu quả hơn, đóng góp tích cực hơn vào công tác an sinh xã hội của đất nước.
Trong chương trình mục tiêu, phương hướng hoạt động phật sự nhiệm kỳ IX (2022 - 2027), Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã khẳng định: Vận động tăng ni, phật tử phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng, tham gia các phong trào ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, cùng với đồng bào và Nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử cả nước tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng, biên giới hải đảo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu; tích cực trong các mặt hoạt động từ thiện xã hội.
Rõ ràng, với tinh thần từ bi, nhập thế giúp đời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang đi đầu trong khối đoàn kết tôn giáo, dân tộc; tích cực vận động tăng ni, phật tử và Nhân dân phát huy tinh thần “Phụng đạo yêu nước”,“Hộ quốc an dân”, tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân; từng bước đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng vững tiến trên con đường “Hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.