Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Sự sống nơi rừng xanh Quảng Trị: Rừng “trả phí” cho người (Bài 2)

Nguyễn Thanh - 03:15, 17/07/2024

Giữ cây cho rừng bằng quản lý, bảo vệ, ươm trồng, trả cây cho rừng, thế nên, rừng đang trả ơn cho người bằng môi trường sống trong xanh, bằng tín chỉ carbon, bằng phí dịch vụ môi trường…; Ngẫm ra, sống dựa vào thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên cũng chính là một triết lí về sống xanh trong giai đoạn biến đổi khi hậu toàn cầu như hiện nay.

Trồng cây bản địa - cây trẩu, để phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa
Trồng cây bản địa - cây trẩu, để phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa

Sống ổn định nhờ rừng

Khắp các khu vực rừng phòng hộ Trăng - Tà Puồng đều được trồng xen bồ kết và bồ hòn. Cách trồng xen, trồng thưa là lựa chọn thông minh của đồng bào Bru – Vân Kiều nơi đây. Bởi chu kỳ sinh trưởng của hai loại cây này trên 5 năm, cây sẽ cho hạt, từ hạt rơi xuống đất rồi nẩy mầm lên cây mới không tiêu tốn thời gian, công sức. Từ đặc điểm này, đồng bào có thể tiếp tục dùng cây con xen ghép để tăng số lượng cây trong rừng mà không mất công ươm giống, chăm sóc và vận chuyển.

Anh Hồ Văn Giỏi, thành viên trong Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng chia sẻ: Những loại cây bản địa này không bị trâu bò, phá hoại, cùng với sự chăm sóc của con người nên càng phát triển. Hơn hết, quả hai loại cây này sẽ làm nguồn nguyên liệu quý để sản xuất dược liệu, mỹ phẩm và các loại nước tẩy rửa sinh học theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Đó là nguồn thu bền vững từ rừng, không làm hại rừng của đồng bào Bru – Vân Kiều.

Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, những biến đổi khí hậu làm đời sống con người ngày càng khó khăn. Trồng rừng để giữ nó phát triển bền vững là sự bù đắp, trả nợ của con người trước thiên nhiên. Hiểu được ý nghĩa của rừng, đồng bào Bru – Vân Kiều ở thôn Trăng - Tà Puồng đã từ bỏ tập quán đốt rừng làm rẫy, chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ rừng. Anh Giỏi nói thêm: Mặc dù thiếu đất sản xuất, nhưng đồng bào vẫn cố gắng thâm canh, chuyển đổi nghề nghiệp để giảm những tác động xấu đến thiên nhiên.

Mô hình trồng rừng trẩu và cây bản địa ở xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa
Mô hình trồng rừng trẩu và cây bản địa ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa

Trồng cây, gây rừng, sống ổn định nhờ trồng rừng bản địa còn là phương thức sống xanh, sống có trách nhiệm, sống hài hòa với thiên nhiên ở nhiều bản làng vùng cao Quảng Trị. Ngay như cây trẩu, nếu phát triển tốt thì đến năm thứ 4, là đã có thể thu hoạch quả. Tùy theo cây lớn nhỏ mà mỗi cây trẩu cho sản lượng khác nhau, mỗi cây thu hoạch bình quân được khoảng 10 -15kg. Hiện nay, sản lượng trẩu mỗi năm ở huyện Hướng Hóa khoảng 1.500 tấn; giá trẩu tươi và khô thời gian gần đây giao động từ 8.000-14.000 đồng.

Anh Bùi Văn Thình, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá - Đakrông cho hay: Đơn vị hiện có khoảng 2.500ha rừng có cây trẩu, trong đó có khoảng 2.000ha đã cho thu hoạch, sản lượng hằng năm vào khoảng 1.200 tấn. Đây là nguồn thu nhập thêm đáng kể cho người dân tham gia trồng.

Chúng tôi cũng khá ấn tượng về nguồn chi trả phí dịch vụ môi trường rừng ở Quảng Trị thời gian qua. Ngoài việc trồng cây, gây rừng; thì hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh ở Quảng Trị cũng đã được đẩy mạnh. Thực tế cho thấy, nguồn chi trả phí dịch vụ môi trường rừng đã góp phần xoá đói giảm nghèo cho 15 xã vùng sâu, vùng xa nằm trong lưu vực thuỷ điện; cũng như nâng cao đời sống cho 1.766 hộ gia đình cá nhân, 40 cộng đồng dân cư thôn bản, 10 nhóm hộ gia đình và 62 tổ nhóm nhận khoán bảo vệ rừng.

Theo ông Trần Xuân Dưỡng, Giám đốc Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị, mỗi năm đơn vị đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các chủ rừng, các hộ dân để triển khai công tác bảo vệ rừng ngày một tốt hơn. Từ khi có chính sách này các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tình trạng cháy rừng, xâm lấn đất rừng dần dần được hạn chế.

Tiềm năng từ tín chỉ carbon

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Trị bán tín chỉ carbon từ 100 nghìn ha rừng tự nhiên thu về trên 51 tỷ đồng. Người hưởng lợi số tiền này là bà con ở các tổ bảo vệ rừng ở các thôn bản.

Theo tính toán, trung bình mỗi ha rừng như thế sẽ được chi trả khoảng 120 ngàn đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm mua bán tín chỉ carbon và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định năm 2022 của Chính phủ.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết thêm: Số tiền hơn 51 tỷ đồng kể trên sẽ được chi trả trong thời gian 2023-2025. Số tiền này sẽ được dùng để tập trung cho công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, chi phí quản lý, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư.

Quảng Trị là một trong những địa phương có tiềm năng khai thác và bán tín chỉ carbon rừng. Theo thống kê, Quảng Trị có diện tích tự nhiên 474.414,8ha, trong đó đất có rừng 220.852,5ha. Dù diện tích không lớn nhưng lại là địa phương có đa dạng sinh học cao. Quảng Trị là một trong 5 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình sinh thái Trung Trường Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum), một trong 230 vùng sinh thái toàn cầu và nằm trong 63 vùng chim quan trọng có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu cần được bảo vệ.

Đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chung tay với lực lượng kiểm lâm bảo vệ những cánh rừng
Đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chung tay với lực lượng kiểm lâm bảo vệ những cánh rừng

Hiện nay, Quảng Trị có 5 cánh rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý được cấp chứng chỉ phát triển và quản lý rừng bền vững (FSC): đồng thời được chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon, với tổng diện tích gần 2.145ha, cho lượng hấp thụ carbon 7.000 tấn/năm và lượng lưu trữ khoảng 350.000 tấn. 

Đó là những cánh rừng ở các thôn: Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; Hồ và Cát, xã Hướng Sơn; Xa Bai, xã Hướng Linh; Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt cùng thuộc huyện miền núi Hướng Hóa.

Để nâng cao giá trị từ rừng, đảm bảo môi trường xanh sinh thái, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch vận động người dân, chủ rừng thay đổi nhận thức, thay phương thức canh tác, trồng rừng không đốt thực bì để giảm phát thải CO2. Theo đó, giai đoạn từ năm 2024 - 2028, mỗi năm tỉnh phấn đấu vận động người dân trồng mới từ 2.000 – 3.000ha rừng không đốt thực bì để giảm phát thải CO2.

Dù có nhiều tiềm năng trong khai thác tín chỉ carbon, nhưng Quảng Trị cũng gặp nhiều thách thức trong vấn đề quản lý và bảo vệ carbon rừng. Hiện nay, cơ chế quản lý nhà nước về carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến và giám sát chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó carbon rừng chưa được công bố về tổng trữ lượng, tăng giảm trong các kỳ tổng điều tra rừng, thống kê rừng, theo dõi diễn biến rừng hằng năm.

Trong khi chờ Chính phủ ban hành khung pháp lý, sàn giao dịch tín chỉ carbon; thì tỉnh Quảng Trị chủ động xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đồng thời, tỉnh cũng duy trì và tăng cường việc giao đất giao rừng cho cộng đồng và hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng vào thị trường carbon rừng.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng đang tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, chủ rừng nâng cao nhận thức về thị trường carbon, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với việc phục hồi rừng và kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đề xuất thí điểm mô hình kinh doanh tín chỉ carbon rừng với sự tham gia của doanh nghiệp./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.