Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Tăng cường nguồn lực để đồng bào Chứt thay đổi toàn diện: Ghi nhận nơi chân núi Ka Đay (Bài 1)

Nguyễn Thanh - 06:08, 14/11/2023

LTS: Dân tộc Chứt là một trong 14 DTTS rất ít người có khó khăn đặc thù của cả nước, cư trú ở hai tỉnh là Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tại Hà Tĩnh, người Chứt định cư ổn định dưới chân núi Ka Đay thuộc bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư cho đồng bào, nhờ đó cuộc sống của người Chứt đã từng bước thay đổi. Tuy nhiên, với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đầy đủ, người Chút vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa thể phát triển toàn diện. Do vậy, mới đây nhất trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã dành hẳn một dự án đầu tư phát triển toàn diện các dân tộc có khó khăn đăc thù, trong đó có người Chứt, với kỳ vọng kéo gần khoảng cách phát triển với các dân tộc khác.

Trong rất nhiều điều mới mẻ ở bản Rào Tre hôm nay, ngoài đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên, thì điều vui nhất trong vùng đồng bào Chứt là đã xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình mới, được nhìn nhận, là sẽ góp phần quan trọng trong việc "dẫn dắt" người dân thay đổi nhận thức, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Bản Rào Tre - bản làng người Chứt dưới chân núi Ka Đay đang từng ngày đổi mới
Bản người Chứt dưới chân núi Ka Đay đang từng ngày đổi mới

Những "hạt giống đỏ"

Nói về “sự kiện” lạ, vượt qua tập tục, suy nghĩ của đồng bào Chứt, không thể không nhắc đến câu chuyện của nữ Trưởng bản Hồ Thị Kiên. Người Chứt có suy nghĩ là nam giới mới được đảm đương các phần việc xã hội. Mặt khác, vị trí trưởng bản phải là người nhiều tuổi. Thành ra, năm 2015, khi Hồ Thị Kiên được bầu chọn là nữ trưởng bản khi mới 27 tuổi, khiến ai cũng ngỡ ngàng. 

Trưởng bản Kiên tâm sự: Tôi may mắn được Nhà nước hỗ trợ đi học, có cơ hội đi ra ngoài bản tiếp cận với nhiều cái mới, nên nhận thức được những nếp sống, hủ tục, những phương thức sản xuất lạc hậu không phù hợp, mình phải thay đổi. "Thay đổi đầu tiên của mình, là độ tuổi kết hôn, lập gia đình rồi thì chăm con thế nào cho con khỏe mạnh, học hành đầy đủ; còn phát triển kinh tế thì phải làm sao để có dư giả phòng khi ốm đau hoặc có công việc cần lo".

Một phụ nữ khác cũng khiến dân bản Chứt từng ngưỡng mộ là câu chuyện của bà Hồ Thị Nam. Bà là người phụ nữ Chứt đầu tiên được kết nạp Đảng vào năm 2003. Nay, bà Nam đã ngoài 60 tuổi và có 20 năm tuổi Đảng. Bà Nam hào hứng: Tôi thấy việc đứng vào hàng ngũ Đảng là vinh dự lớn của cuộc đời. Tôi tự hào về điều này và cũng ý thức hơn về trách nhiệm bản thân vì mình là Đảng viên, là con cháu Bác Hồ.

Nữ trưởng bản trẻ tuổi Hồ Thị Kiên (bìa phải)
Nữ trưởng bản trẻ tuổi Hồ Thị Kiên (bìa phải)

Cùng thời điểm được kết nạp Đảng với bà Nam, còn có ông Hồ Kính. Sau khi được kết nạp, cả hai sinh hoạt ghép với Chi bộ 1 của xã Hương Liên. Những “hạt giống đỏ” đầu tiên đã nảy mầm xanh, từ gương sáng của bà Hồ Thị Nam, ông Hồ Kính, dẫn dến liên tiếp những năm sau đó nhiều nhân tố mới được phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng như: Hồ Hải, Hồ Tình, Hồ Thị Đình Xuân… Đến tháng 8/2017, Đảng ủy xã Hương Liên quyết định thành lập chi bộ Rào Tre và cử cán bộ xã về sinh hoạt cùng. Đến nay, bản Rào Tre có 9 đảng viên người Chứt.

Trở lại câu chuyện về bà Hồ Nam. Sau khi trở thành đảng viên chính thức, bà Hồ Nam được bầu là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của bản Rào Tre, sau đó đến Trưởng bản, Bí thư chi bộ bản Rào Tre. Đặc biệt, bà Hồ Thị Nam còn vinh dự được bầu là đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã trong hai nhiệm kỳ.

Ở nhiệm vụ nào, bà Hồ Thị Nam cũng luôn phấn đấu hết sức mình, được bà con trong bản tin yêu, cấp trên tín nhiệm. Cùng với Trưởng bản Hồ Thị Kiên, đảng viên Hồ Kính..., bà Hồ Nam là cũng là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân đẩy lùi tình trạng hôn nhận cận huyết trong đồng bào Chứt.

Còn nhớ, câu chuyện hôn nhân với người ngoài bản, một thời cũng được coi là một “hiện tượng” ở Rào Tre. Ngày 7/4/2015, đám cưới đầu tiên của Hồ Thanh Mai (dân tộc Chứt) với chàng trai Lê Xuân Công (người Kinh) được mọi người gọi là “sự kiện lịch sử” của bản. Nối tiếp niềm vui này, năm tháng sau, đồng bào Chứt tiếp tục tổ chức lễ thành hôn cho Hồ Thị Mỹ Duyên (người Chứt) và chàng trai Nguyễn Đình Nhân (người Kinh).

Đôi bạn trẻ Công và Mai trong ngày cưới
Đôi bạn trẻ Công và Mai trong ngày cưới

 Lãnh đạo xã Hương Liên cho hay: Bên cạnh những nhân tố đi đầu của Bản, cùng với sự đồng hành của Đoàn thanh niên, nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt ở Rào Tre, với thanh niên ngoài bản đã được tổ chức, tạo điều kiện cho thanh niên nam nữ làm quen, tìm hiểu.

Ngoài ra, nhiều chính sách khuyến khích người dân tộc khác kết hôn cùng người Chứt được thực hiện như, hỗ trợ 30 triệu đồng, được cấp đất làm nhà, được tổ chức đám cưới là động lực xóa bỏ hôn nhân cận huyết ở đây.

Từ việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc được các cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng, chuyện học hành, đỗ đạt của lớp trẻ nơi đây cũng đang thay đổi lớn. Bản Rào Tre hiện có 20 trẻ trong độ tuổi từ 6-10 tuổi và 25 trẻ trong độ tuổi từ 11-18 tuổi, 100% học sinh trong độ tuổi đều tham gia học tập ở các bậc học. 

Đặc biệt, kỳ tuyển sinh năm học 2020 - 2021, em Hồ Thị Sương ở bản Rào Tre đỗ đại học, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về giáo dục của người Chứt. Em Sương là một minh chứng cho sự hội nhập, phát triển mới của người Chứt ở dưới chân núi Ka Đay, trở thành động lực cho nhiều học sinh ở Rào Tre noi gương để tiếp bước vươn lên trong học tập.

Hồ Thị Sương ở bản Rào Tre đỗ đại học như đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về giáo dục của người Chứt
Hồ Thị Sương ở bản Rào Tre đỗ đại học như đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về giáo dục của người Chứt

“Áo mới” ở Rào Tre

Bản Rào Tre hiện nay có 46 hộ, với 155 nhân khẩu. Những năm trước, đời sống người Chứt gặp nhiều khó khăn vì sống tách biệt với bên ngoài do giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, đó là chuyện của trước đây, hiện nay đời sống người dân đã đổi thay nhiều.

Từ chỗ sống du mục, nay đây mai đó, đến nay trên cánh đồng Ka Đay, người Chứt đã trồng lúa mỗi năm 2 vụ, với khoảng 2.5ha, trồng màu khoảng 0,5ha và trồng, chăm sóc 37ha rừng. Ngoài ra, bà con còn tập trung phát triển chăn nuôi. Toàn bản có gần 30 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm các loại. 

Điển hình như hộ đảng viên Hồ Xuân Nam, từ hộ thiếu ăn được tổ công tác biên phòng bản Rào Tre và cán bộ địa phương xã Hương Liên hướng dẫn, hỗ trợ chăn nuôi 2 con trâu, 3 con bò và nhiều gia cầm. Đến nay, gia đình Nam đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy và có thu nhập hằng tháng từ sản xuất nông, lâm nghiệp khoảng 4 triệu đồng...

Người Chứt đã thành thạo trồng trọt và chăn nuôi
Người Chứt đã thành thạo trồng trọt và chăn nuôi

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, các hộ dân ở bản được hỗ trợ làm nhà ở kiên cố. Đến nay, toàn bản xây mới được 20 nhà ở, sửa chữa 17 nhà trị giá 2,1 tỉ đồng. Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên khoe: Ý thức, hành động của người Chứt đã thay đổi, chuyển biến rất nhiều. Tâm lý của bà con đều có suy nghĩ là phải tự bản thân cố gắng, không trông chờ, ỉ lại. 

Rào Tre đang dần khoác lên mình tấm áo mới, hiện hữu bằng con đường nhựa phẳng, nối với đường mòn Hồ Chí Minh; bằng những mảnh vườn, thửa ruộng xanh tốt; những đàn em thơ  tíu tít đến trường... và bằng con số "biết nói" về thu nhập bình quân mỗi năm của đồng bào Chứt ở Rào Tre hiện nay đã đạt hơn 32 triệu đồng.

Phấn khởi khi chia sẻ về những thay đổi của đồng bào Chứt, song cũng nhiều lần lãnh đạo xã Hương Liên nói, kết quả trên chưa thấm vào đâu trong việc muốn đồng bào Chứt phát triển toàn diện, bền vững. Hiện nay, khoảng cách phát triển của đồng bào Chứt với các dân tộc còn khá xa.  Bởi, sinh kế trong các hộ đồng bào chưa bền vững, do dó, thu nhập còn bấp bênh; Chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe, sự học trong vùng đồng bào còn nhiều việc phải làm, phải đầu tư để thay đổi bền vững; cùng với đó, cũng cần tăng cường đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cán bộ dân tộc Chứt tham gia hệ thống chính trị..."Địa phương đang kỳ vọng Chương trình MTQG 1719, với dự án đầu tư phát triển toàn diện cho nhóm DTTS này sẽ kéo gần khoảng cách phát triển với các dân tộc khác"

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.