Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Thanh Hóa: Chỉ có 5,6% công trình nước sạch tập trung ở vùng cao hoạt động hiệu quả

Quỳnh Trâm - 11:34, 22/10/2021

Hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134 được đầu tư để xây dựng các công trình nước sạch tại một số huyện miền núi, vùng nông thôn tại Thanh Hóa. Tuy nhiên trong số đó, có hàng trăm công trình đang đắp chiếu, kém hiệu quả, hoặc xuống cấp.

Những bể chứa nước sạch tại thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua
Những bể chứa nước sạch tại thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua

Hàng loạt công trình đầu tư tiền tỷ kém hiệu quả

Ghi nhận tại công trình cấp nước sạch thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh, huyện miền núi Thạch Thành. Đây là 1 trong số 143 dự án cấp nước tập trung trên địa bàn toàn tỉnh hiện không hoạt động. Năm 2014, công trình được triển khai bằng nguồn vốn 134, với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ giúp 120/171 hộ dân trong thôn có nước sạch để sử dụng. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng mới bộc lộ bất cập, kém hiệu quả, từ đó, bỏ hoang gây lãng phí cho đến bây giờ.

Theo quan sát thực tế, công trình đang bị vùi lấp 2/3 bởi đất, cỏ mọc um tùm. Hệ thống van nước, đường ống hoen gỉ do nắng mưa. Tại bể chứa số 1, đã trở thành chỗ chứa củi của bà con. Tại bể chứa nước số 2, không có nước, hệ thống đường ống dẫn từ bể nguồn bị tháo văng ra bỏ ngổn ngang. Các bể số 3, 4 cũng trong tình trạng hoang hóa.

“Trước đây chúng tôi cũng mong được sử dụng nước sạch. Nhưng không biết vì lý do gì công trình hoàn thành thì không sử dụng được, bỏ hoang ở đó. Từ đó, chúng tôi nối dây lấy nước từ suối hoặc đào giếng để lấy nước sinh hoạt”, một người dân trong thôn Mỹ Đàm cho biết.

Đa phần các công trình nước sinh hoạt tập trung ở các huyện miền núi Thanh Hóa bỏ hoang, cỏ mọc um tùm
Đa phần các công trình nước sinh hoạt tập trung ở các huyện miền núi Thanh Hóa bỏ hoang, cỏ mọc um tùm

Tương tự, dự án cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc nguồn vốn đầu tư CT 134 của Chính phủ, tại xã Thanh Phong, huyện Như Xuân đã triển khai từ năm 2008 ở thôn Xuân Phong và thôn Quang Hùng. Mỗi thôn được đầu tư 2 bể, với tổng kinh phí hơn 672 triệu đồng. Đến năm 2011, tiếp tục xây dựng ở thôn Hai Huân thêm 4 bể, kinh phí hơn 996 triệu đồng. Sau khi hoàn thành, những công trình này cũng không phát huy hiệu quả, hiện bỏ phế mọc rong rêu. Chỉ duy nhất 1 bể được hộ gia đình đang sử dụng.

Trách nhiệm của ai?

Theo khảo sát của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa, trong tổng số các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy, có tới 74% công trình hoạt động không hiệu quả, 24% công trình không hoạt động, và chỉ có 5,6% là đang hoạt động, tập trung ở các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh…

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Doãn Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường - Sở NN&PTNT, cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do mất nguồn nước và hư hỏng đường ống vì mưa lũ. Kinh phí sửa chữa tuy không lớn, nhưng do tỉnh chưa bố trí ngân sách cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn, bản vùng cao huyện Quan Hóa không còn sử dụng được
Một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn, bản vùng cao huyện Quan Hóa không còn sử dụng được

“Trung tâm cũng đã nhiều lần tham mưu cho Sở, báo cáo UBND tỉnh để bố trí ngân sách cho việc sửa chữa, đưa các công trình hoạt động trở lại, tránh thất thoát, lãng phí. Việc sửa chữa kinh phí không lớn và cần thiết, bởi chi phí xây dựng là rất lớn”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho rằng, các công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng đều nằm ở những vị trí địa lý phức tạp, khó khăn, nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức thực hiện và tiến độ công trình; định suất vốn đầu tư thấp và bình quân theo đầu xã, nên khó khăn cho việc lựa chọn công trình phù hợp với lượng vốn được giao. 

Bên cạnh đó, các cán bộ phụ trách trong công tác xây dựng các công trình thời kỳ trước, đều làm công tác kiêm nhiệm, hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, dẫn đến một số công trình khảo sát chưa phù hợp, tiến độ thi công chậm. Một số nhà thầu thiếu trách nhiệm, để kéo dài thời gian thi công, gây ảnh hưởng đến chất lượng các công trình.

Có thể thấy, những công trình tiền tỷ không phát huy hiệu quả các huyện miền núi có những khó khăn khách quan. Song, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cần có giải pháp khắc phục đối với những công trình này; đồng thời, xem xét nghiêm túc trách nhiệm của những đơn vị thực hiện, quản lý các công trình, cơ sở này, khi để xảy ra tình trạng sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách.

Tin cùng chuyên mục