Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

“Tỉnh Yên Bái đã có nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG”

Thanh Huyền - 21:44, 22/12/2023

Đó là ý kiến phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG với Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái về kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Yên Bái, chiều ngày 22/12, sau khi Đoàn có chuyến thăm, khảo sát trực tiếp tại cơ sở.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQT tỉnh Yên Bái
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQT tỉnh Yên Bái

Tham gia Đoàn công tác có đại diện một số bộ, ngành, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT. Về phía tỉnh Yên Bái, tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn.

Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc thực hiện các Chương trình MTQG.

Về kết quả giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG, đến nay, vốn đầu tư phát triển giải ngân đạt 1.210.361 triệu đồng/kế hoạch 1.437.516 triệu đồng, bằng 84,2%, trong đó: Vốn Ngân sách Trung ương giải ngân đạt 1.084.805 triệu đồng/kế hoạch 1.243.902 triệu đồng, bằng 87,2%; vốn ngân sách địa phương đối ứng giải ngân đạt 125.556 triệu đồng/kế hoạch 193.614 triệu đồng, bằng 64,8%.

Hiệu quả rõ nét có thể kể tới: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo tồn bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc; vấn đề nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; hệ thống lưới điện được đầu tư; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; học sinh được đến trường đúng độ tuổi; tình hình an ninh trật tự được giữ vững.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt kết quả nổi bật, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 5 - 6%/năm, đạt kế hoạch Trung ương giao. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân....

Để bảo đảm tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tiễn, tại buổi làm việc, các sở, ngành, các huyện của tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến từng dự án, tiểu dự án thành phần. Tỉnh Yên Bái kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm sớm ban hành Sổ tay chung hướng dẫn thực hiện cho cả 3 Chương trình MTQG theo từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần. Quy định cơ chế đặc thù đối với việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án đầu tư thuộc các Chương trình MTQG theo hướng chỉ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các đơn vị, địa phương đến các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, danh mục (nếu có).

Tỉnh cũng đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến từng nội dung cụ thể về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, có hướng dẫn cụ thể đối với từng nội dung “dược liệu quý” và “Trung tâm nhân giống”; bổ sung đối tượng “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên”, tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề; tiêu chí quy định, xác định “người lao động có thu nhập thấp”; ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, theo hướng điều chỉnh các chỉ tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; đơn giản thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái gửi lời cảm ơn Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG đã dành thời gian đến Yên Bái để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các Chương trình MTQG. Ông Phước cho biết, nguồn lực của Trung ương triển khai các Chương trình MTQG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Thông tin thêm về những kết quả nổi bật, cũng như khó khăn đặc thù của tỉnh trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG, ông Nguyễn Thế Phước mong muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và Đoàn công tác tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG cũng như các chính sách khác. Về phía tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong cụ thể hóa các văn bản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng, tỉnh Yên Bái đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, với nhiều cách làm sáng tạo, chủ động phối hợp, phân cấp chặt chẽ, ưu tiên bố trí nguồn vốn, lồng ghép nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cách làm hay triển khai hỗ trợ nhà ở; lồng ghép các nguồn lực đầu tư, phát triển giáo dục…

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG nói riêng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh ghi nhận và đề nghị tỉnh tiếp tục có quyết tâm cao, tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn tỉnh có những đề xuất, tham mưu trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế triển khai thực hiện các Chương trình MTQG nói chung, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn tiếp theo.

Về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã trực tiếp giải đáp theo thẩm quyền và đề nghị các bộ, ngành liên quan, các đơn vị chức năng của UBDT tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để phối hợp tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình MTQG tại cơ sở.

Yên Bái là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tổng diện tích đất tự nhiên là 6.892 km2, có 9 đơn vị hành chính, gồm: Tp. Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 7 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, với tổng số 137/173 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỉnh có dân số trên 84 vạn người, mật độ dân số trung bình 118 người/km2, với 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 57,4% gồm: Dân tộc Tày 18,28%, Mông 13,03%, Dao 12,32%, Thái 7,54%, còn lại là các dân tộc khác như: Mường, Nùng, Sán Chay, Khơ Mú, Hoa, Phù Lá...

Toàn tỉnh có 46 xã thuộc khu vực III; 4 xã thuộc khu vực II và 87 xã thuộc khu vực I; có 02 huyện huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong 74 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; có 99/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên trong khu vực Tây Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.