Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Ngọc Thu - 06:15, 07/07/2024

Mặc dù, từ nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Gia Lai có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều nội dung, dự án thành phần của các Chương trình còn tồn tại những vướng mắc, bất cập dẫn đến nguồn vốn giải ngân còn thấp. Theo đó, tỉnh Gia Lai cũng đã đánh giá thực trạng, đặt ra mục tiêu cùng với những giải pháp căn cơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo chính sách ban hành kịp thời đi vào cuộc sống.

Gia Lai đang nỗ lực triển khai, giải ngân các Chương trình MTQG đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra
Gia Lai đang nỗ lực triển khai, giải ngân các Chương trình MTQG đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra

Tiến độ giải ngân còn thấp

Trong quá trình thực tiễn triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Gia Lai, thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nên tiến độ giải ngân vốn còn đạt thấp.

Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, thông tin, các Chương trình MTQG đều có hoạt động về cải thiện dinh dưỡng nên dễ bị chồng chéo. Đối với phần hỗ trợ đỡ đẻ tại nhà và chăm sóc sau sinh, thì một số cô đỡ thôn bản hoạt động trong địa bàn thụ hưởng chính sách, nhưng lại thanh quyết toán bên dự án VinGruop  (Chương trình cô đỡ thôn bản của dự án Vingroup - Quỹ Thiện tâm tài trợ) nên không được thụ hưởng dự án. Bên cạnh đó, một số huyện không mua được sản phẩm vi chất, vì một số nhà cung cấp có hàng nhưng hàm lượng vi chất không đạt yêu cầu, hoặc bị đứt hàng trong những tháng cuối năm…

 Các Chương trình MTQG đều có hoạt động về cải thiện dinh dưỡng nên dễ bị chồng chéo
Các Chương trình MTQG đều có hoạt động về cải thiện dinh dưỡng nên dễ bị chồng chéo

Tương tự, ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, cho biết: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 cũng gặp nhiều vướng mắc về cơ chế thực hiện. 

Điển hình như tại Dự án 1 quy định “Các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất tại những nơi chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, có nhu cầu vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất, thì được xem xét vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và không được hỗ trợ chuyển đổi nghề”. 

Theo đó, những hộ này không được hưởng nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước mà chỉ được vay vốn để tạo quỹ đất, do đó, địa phương khó giải ngân nguồn kinh phí đã được phân bổ thực hiện nội dung hỗ trợ đất sản xuất.

Còn đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai thông tin: Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp quy định mức đạt chuẩn cao hơn, số lượng tiêu chí tăng lên so với giai đoạn 2016 - 2020. Việc ban hành, hướng dẫn các tiêu chí nông thôn mới của các bộ, ngành có một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn triển khai của tỉnh như: Chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn hay chỉ tiêu 17.6 về tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định…

Theo báo cáo từ Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 và 2023 được giao hơn 1.630 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 1.383 tỷ đồng, đạt 84,86% kế hoạch; số vốn kéo dài sang năm 2024 còn lại chưa giải ngân là 246,8 tỷ đồng. 

Cụ thể, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: giải ngân 590,3 tỷ đồng, đạt 83,70%; Giảm nghèo bền vững: giải ngân 148,6 tỷ đồng, đạt 87,56% và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi: giải ngân 644,8 tỷ đồng, đạt 85,34%.

Đối với tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 được giao là 1.159,8 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 464,6 tỷ đồng, đạt 40,06% kế hoạch. Đến thời điểm này, tất cả các nguồn vốn của 3 Chương trình MTQG đều đã được phân bổ cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, công tác giải ngân vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Gia Lai đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% vào cuối năm 2024
Gia Lai đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% vào cuối năm 2024

Kịp thời hướng dẫn, xử lý vướng mắc theo thẩm quyền

Gia Lai đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% vào cuối năm 2024. Mục tiêu này có đạt hay không, một phần phụ thuộc vào công tác giải ngân vốn 3 Chương trình MTQG năm 2024. 

Tại Quyết định số 01/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 22/4/2024 về chương trình công tác năm 2024, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra một số giải pháp mang tính căn cơ. Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu, các cơ quan chủ trì Chương trình MTQG chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện từng Chương trình của các sở, ban, ngành, địa phương theo quy định và kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và các cơ quan liên quan trong triển khai các nhiệm vụ được phân công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện đối với cấp xã.

 Đối với các dự án chưa thực hiện giải ngân, đặc biệt là các dự án được giao kế hoạch vốn lớn như: Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Gia Lai do Sở Y tế làm chủ đầu tư (tổng vốn được giao là 97 tỷ đồng), các chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực kỹ thuật và tài chính, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Mới đây, tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Gia Lai, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình MTQG; bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới. 

Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Gia Lai tập trung bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình đạt hiệu quả trong thời gian tới
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Gia Lai tập trung bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các Chương trình đạt hiệu quả trong thời gian tới

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Công tác giải ngân vốn từ nguồn ngân sách nhà nước đến nay còn hạn chế, nếu không có giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc của các cấp, ngành thì khó hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Bà Lịch nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG và giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2024, các sở, ngành và địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, rà soát từng dự án để phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.

Đối với các dự án do các sở ngành làm chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân, cần đẩy nhanh các thủ tục triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án bảo đảm hoàn thành kế hoạch được giao trong năm 2024.

 "Riêng nguồn vốn Chương trình MTQG năm 2022 và năm 2023 được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết năm 2024, vì vậy, các sở, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công năm 2022, 2023; người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh trong việc chậm triển khai thực hiện, làm mất vốn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai -  Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh.