Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai: Tìm cơ hội trong thách thức

Hồng Phúc - 10:42, 02/06/2020

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều loại nông sản bước vào thời kỳ thu hoạch. Do tác động của dịch Covid-19, dự báo đầu ra cho nông sản của tỉnh sẽ gặp khó khăn, khi nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống bị “đóng băng”.

Nhà máy chế biến rau củ quả tại Gia Lai. (Ảnh Hà Duy)
Nhà máy chế biến rau củ quả tại Gia Lai. (Ảnh Hà Duy)


Gia Lai là địa phương có diện tích cây công nghiệp hàng đầu cả nước, với 94.900ha cà phê, 88.300ha cao su, 11.000ha hồ tiêu, 18.200ha điều, 1.000ha chè, 37.000ha mía, 63.000ha sắn… Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều diện tích cây nông sản ngắn ngày như dưa hấu, thanh long… Trong điều kiện sản xuất, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thuận lợi sẽ đóng góp bình quân khoảng trên dưới 30% cho nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh hằng năm.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai, đa số các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh như cà phê, hồ tiêu, mía, sắn… đều đã có nhà máy chế biến. Nhưng đối với cây trồng ngắn ngày thì nông dân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu nông sản cũng bị ảnh hưởng, khiến giá cả xuống thấp và sức thu mua chậm.

Và trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai trong những tháng đầu năm 2020 đã giảm mạnh. Theo số liệu của UBND tỉnh Gia Lai, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2020 ước đạt 35 triệu USD, tính chung 4 tháng đầu năm đạt 145,5 triệu USD, bằng 23,1% kế hoạch, giảm 21,58% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm chủ yếu do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các doanh nghiệp (các mặt hàng sắn lát, tinh bột sắn, cao su, trái cây... đều giảm).

Để gỡ khó cho vấn đề này, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Đồng thời, ngành cũng đã phối hợp với các địa phương bàn bạc để tổ chức mở rộng sản xuất đối với các cây trồng ngắn ngày, cây trồng có lợi nhuận cao, những vùng có điều kiện nước tưới, đất đai phù hợp, duy trì phát triển cây trồng chủ lực khi bước vào sản xuất vụ mùa.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có, việc bị chững lại xuất khẩu nông sản do dịch bệnh tại Gia Lai cũng được nhìn nhận như một cơ hội, một áp lực tích cực để điều chỉnh việc sản xuất tránh ồ ạt, đổ dồn vào một loại để tìm thị trường tiêu thụ mới. Vùng nào sản xuất loại nào, các cơ sở chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ cần liên kết với nông dân để đầu ra của nông sản ổn định và bền vững. Ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương cũng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế, dự kiến vượt kế hoạch đề ra 1,4%.

Trước mắt, một số tập đoàn, doanh nghiệp và các nhà máy lớn chế biến, sản xuất, xuất khẩu nông sản, cơ sở đông lạnh phải cùng vào cuộc thời điểm này. Về lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến sâu nông sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có rau, củ, quả. Đây cũng là điều kiện giúp cho đầu ra sản phẩm của người dân được ổn định hơn.

“Ngành Nông nghiệp với vai trò là cơ quan chuyên môn và quản lý về lĩnh vực nông nghiệp, sẽ đề nghị các nhà máy chế biến tổ chức hệ thống thu mua trực tiếp cho người dân, tránh việc bán qua thương lái, bị ép giá và không ổn định về đầu ra khiến nông dân gặp khó khăn”, ông Có khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những bước phát triển mới. Nổi bật là cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình dân sinh không ngừng được đầu tư, hoàn thiện; Nhiều mô hình sinh kế hình thành và đã phát huy hiệu quả..., góp phần cải thiện đáng kể đời sống của Nhân dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.