Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đêm trắng nơi cổng trời

PV - 17:02, 21/10/2021

Đăk Plô trời về đêm mưa và lạnh. Gió thổi từ các cánh rừng về đập vào vách gỗ căn nhà bếp của Đồn Biên phòng Đăk Blô ù ù. Núi Nồi Cơm rõ mồn một đứng sừng sững trong giông, sét, mưa, gió như biểu tượng cho sự kiên cường của những người con nơi đây. Đêm sơn cước ngắn hơn bởi những câu chuyện đan xen không đầu, không cuối của các chiến sĩ Biên phòng nơi cổng trời.

Một góc xã biên giới Đăk Plô
Một góc xã biên giới Đăk Plô

Cơm tối xong, các chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Đăk Blô, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei (Kon Tum) ngồi quây quần hàn huyên chuyện sau một ngày làm việc. Hôm nay là thứ Bảy, “nhà” lại có “khách” là các nhà báo dưới TP. Kon Tum lên thăm và làm việc, nên Trung tá Xiêng Lăng Sự - Đồn trưởng cho “cơ chế” các chiến sĩ được thức khuya hơn ngày thường một ít để tiếp khách.

Bên ly trà xanh nóng hổi, thơm lừng, những câu chuyện nghề, chuyện đời bắt đầu rôm rả, làm xua tan đi màn đêm tĩnh mịch và cái lành lạnh nơi miền biên viễn. Trầm tư hoài niệm về những ngày tháng đã qua, Trung tá Xiêng Lăng Sự chậm rãi “mở màn” bằng chất giọng trầm ấm: Vậy là đã ngót nghét 26 năm kể từ ngày tôi được khoác trên mình bộ quân phục của người chiến sĩ Biên phòng, được gắn trên vai chiếc quân hàm xanh, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc. Cũng là từng đó thời gian, tôi trải qua bao kỷ niệm khó quên, những buồn, vui của đời lính.

Trong ký ức, Trung tá Sự vẫn còn lưu trải nghiệm lần đầu đi tuần tra đường biên giới thuộc địa bàn ĐBP Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) vào đêm. Đó là đêm 30/4/1995, anh cùng các đồng chí trong đoàn đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra các điểm chốt, cột mốc biên giới trong khu vực. Ngày đó, địa bàn xã Rờ Kơi đa phần là rừng núi âm u. Để đi đến các điểm dự kiến, anh em trong đoàn phải len lỏi, luồn lách qua những lùm cây, bụi cỏ, đồng thời vừa xác định phương hướng để đến đúng địa điểm đặt ra.

Nhắp ngụm nước chè nóng hổi, xoa xoa đôi bàn tay vì lạnh, xoay tròn chiếc ly trà, Trung tá Xiêng Lăng Sự lấy hơi và lại chậm rãi kể: Khó khăn nhất là các chuyến đi đêm sương muối rơi xuống dày đặc như thách thức sức chịu đựng của những người lính mới. Vừa phải di chuyển mau lẹ, nhưng chúng tôi cũng vừa phải để mắt đến những “vị khách không mời” - đó là các loài rắn lục, hổ mang, cạp nong, cạp nia… xuất hiện với mật độ rất dày trong khu vực biên giới. Cứ như vậy, chúng tôi loay hoay cả đêm mới hoàn thành nhiệm vụ.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô “cầm tay chỉ việc” giúp đỡ bà con Nhân dân sản xuất, trồng trọt
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô “cầm tay chỉ việc” giúp đỡ bà con Nhân dân sản xuất, trồng trọt

“Sau chuyến đi ấy, tôi bị sốt rét khá nặng, phải nằm liệt giường hơn nửa tháng. Tuy nhiên, những khó khăn trong lần thực hiện nhiệm vụ đầu tiên này, lại càng thôi thúc tôi quyết tâm hơn, tự rèn luyện bản thân, trở thành một người lính biên phòng “chân cứng đá mềm” trong mọi hoàn cảnh, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”, Trung tá Xiêng Lăng tự bộc bạch và cười hiền.

Đêm tĩnh lặng, ngoài trời mưa rơi lộp độp. Trung úy A Ngao tiếp lời: Còn tôi đã 13 năm gắn bó với công tác vận động quần chúng nơi biên giới. Dù đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn cảm nhận được hơi ấm và những giá trị trân quý xuất phát từ tình cảm của người dân mà mình tiếp xúc.

Trong vai trò là cán bộ, chiến sĩ được Đồn phân công về với làng Bung Koong (xã Đăk Plô) tham gia sinh hoạt chi bộ, tôi có cơ hội được lắng nghe những tâm tư, mong muốn của bà con. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, bản thân tôi và bà con ngày càng thân thiết hơn. Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 xuất hiện, dù được phân công thực hiện nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch số 1 trên tuyến đường biên giới, nhưng tôi vẫn xin phép Đồn để mình được tiếp tục sinh hoạt chi bộ, được gắn bó với bà con làng Bung Koong.

Hơn 1 năm rưỡi trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung úy A Ngao cùng các chiến sĩ ĐBP Đăk Blô vẫn luôn túc trực tại chốt kiểm dịch số 1 của Đồn để làm nhiệm vụ. Đồng thời, cứ vào mỗi dịp sinh hoạt Chi bộ làng Bung Koong, A Ngao lại sắp xếp công việc, vượt gần 40 km đường tuần tra biên giới về làng để sinh hoạt với các đảng viên ở đây; tuyên truyền bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng nhau xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ.

Thậm chí vào năm ngoái, khi cơn bão số 9 làm đường sá bị sạt lở, phương tiện giao thông không thể đi lại trong một thời gian, A Ngao vẫn đều đặn cuốc bộ để về với bà con thôn làng. Từng bước một, người lính Biên phòng này như trở thành một thành viên trong làng, được bà con tin tưởng và quý mến.

“Công tác vận động quần chúng là thế đấy! Bản thân phải luôn gắn bó và gần gũi với bà con. Bởi chỉ khi đồng hành cùng bà con, tôi mới hiểu được những suy nghĩ, mong muốn của họ, để từ đó lựa chọn phương pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất, thiết thực nhất, đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lính Biên phòng với người dân nơi đóng quân”, Trung úy A Ngao chia sẻ.

Nghe Trung úy A Ngao giãi bày, Trung úy A Thuốc - thành viên của Đội vận động quần chúng ĐBP Đăk Blô cảm thấy lòng phấn chấn. Theo lời Trung úy A Thuốc, cách đây hơn 4 tháng, anh nghỉ phép về thăm gia đình. Tuy chưa hết thời gian nghỉ phép, nhưng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lo cho tuyến biên giới nguy cơ dịch bệnh rình rập, A Thuốc bàn với vợ lên đơn vị sớm hơn để cùng đồng đội cắm chốt, ngăn chặn các đối tượng từ các vùng có nguy cơ, có người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xâm nhập vào địa bàn.

“Tại chốt số 1, A Thuốc đang trực hiện chưa có sóng điện thoại. Vì vậy, hàng ngày, khi hoàn thành nhiệm vụ, A Thuốc lại chạy vài cây số rà sóng để gọi về nhà. A Thuốc bảo, anh em trong đơn vị đều thế cả mà, do dịch bệnh nên không về thăm nhà được, nhưng vẫn thường xuyên gọi điện thoại về nhà, như vậy là tốt lắm rồi, biết gia đình mọi việc vẫn ổn, lại tiếp tục yên tâm công tác”, A Thuốc bộc bạch.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô đến từng nhà, tuyên truyền vận động người dân
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô đến từng nhà, tuyên truyền vận động người dân

Gần 10 năm được gắn trên vai chiếc quân hàm xanh, cũng là chừng đó thời gian A Thuốc gắn bó với công tác vận động quần chúng theo dọc dài miền biên giới của tỉnh. Từ chiến sĩ ĐBP Hồ Le đứng chân trên địa bàn huyện Ia H’Drai, rồi tới ĐBP Đăk Nhoong, ĐBP Đăk Blô của huyện Đăk Glei, bước chân A Thuốc trải qua và không sót một thôn, làng nào ở các địa phương có ĐBP đóng chân trên mà anh không biết.

Trung úy A Thuốc tâm sự: Là người dân tộc tại chỗ nên tôi có lợi thế là nói được tiếng dân tộc và hiểu được phong tục tập quán của người dân địa phương, rất thuận lợi trong công tác dân vận. Bà con ở đây hầu hết hiền lành, chăm chỉ làm ăn, nhưng cũng có người, có hủ tục, phải vận động ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” bà con mới chịu thay đổi.

Cứ thoăn thoắt như con hươu, con nai trong rừng, A Thuốc và đồng đội có mặt nay ở thôn này, mai thôn khác khi dân cần, dân gọi. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng ai cũng bảo, bao nhọc nhằn, vất vả quên hết khi được dân quý mến, tin yêu, coi như anh em một nhà, kết nghĩa anh em, “chia ngọt, sẻ bùi”, nhà có chuyện vui, chuyện buồn không thể thiếu vắng các chiến sĩ Biên phòng, vui nhất là khi thấy cuộc sống của bà con dần thay đổi, vươn lên...

Đêm đã về khuya. Cơn mưa rừng cũng ngớt. Đồn trưởng Xiêng Lăng Sự “phát lệnh” nghỉ để mai còn tiếp tục công việc. Chấp hành mệnh lệnh của Đồn trưởng, chúng tôi tắt đèn đi ngủ.

Đêm Đăk Plô yên ắng lạ thường. Tôi thao thức mãi trong ngổn ngang cảm xúc.

Trắng đêm với biên giới, tôi nghĩ mình phải trở lại nơi này lần nữa để gặp lại các anh, tiếp tục câu chuyện còn đang dang dở./.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.