Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Roàng ơi, ai đã về đây­?

Lê Na - 16:28, 18/02/2024

Hơn sáu mươi năm trước, những thanh niên nam, nữ phơi phới sức trẻ từ vùng xuôi Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Tây, Hải Dương… đã lên đây xây dựng kinh tế. Lâm trường Tân Tiến là mái nhà chung để họ tụ lại. Một vùng rừng núi hoang sơ, “khỉ ho, cò gáy”. Nơi được gọi là “rừng thiêng, nước độc”, chính là Roàng.

Đoàn công tác của Cục Lâm nghiệp kiểm tra rừng trồng của Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình, huyện Yên Sơn
Đoàn công tác của Cục Lâm nghiệp kiểm tra rừng trồng của Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình, huyện Yên Sơn

Người già kể lại một truyền thuyết

Theo người già kể lại, xưa, đã xưa lắm, có một con Rồng thiêng từ trời cao bay về đỉnh Mười. Bóng Rồng che rợp một vùng rừng núi. Thần Rồng ngự tại đây và từ đó, Thần Rồng khai thiên, lập địa, che chở cho dân lành. Đằng đẵng một mình canh giữ nơi Ba Xứ giữa đỉnh trời hoang vu, Rồng bỗng thấy cô đơn quá.

Một hôm, không thấy Mặt trời mọc, suốt cả ngày, bầu trời tối đen, u tịch. Bỗng sấm chớp dữ dội và gió lốc ào ạt. Mưa như trút nước tự trời cao. Dân bản ngước lên, thấy một tia chớp hình Thần Rồng, chói sáng, tan biến vào núi, hòa thành dòng suối tuôn chảy. Rồng đã về trời, để lại nương đồi, cây xanh, muông thú và suối mát cho hạ giới. Cũng từ đó, để tránh tên húy, dân bản gọi chệch sang là Roàng. Tên núi, tên suối vẫn còn cho đến tận hôm nay.

Năm 1961, Lâm trường Tân Tiến được thành lập. Từ năm 1968, tỉnh Tuyên Quang kết nghĩa với tỉnh Bình Thuận, để ghi dấu mốc này, Lâm trường đổi tên thành Lâm trường Tuyên Bình. Theo cơ chế mới, đổi thành Công ty Lâm Nghiệp, quản lý một vùng rừng, gồm sáu xã: Kiến Thiết, Trung Trực, Xuân Vân, Tân Long, Tân Tiến, huyện Yên Sơn và Tràng Đà, TP. Tuyên Quang. Tổng diện tích đất rừng là 1.720ha.

Ngày mới thành lập, cả ngàn người được biên chế thành công nhân lâm trường. Họ chủ yếu từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày đó, nhiệm vụ chính của công nhân lâm trường là khai thác gỗ, lâm sản, mở tuyến lên rừng, làm đường cho xe ô tô vào vận chuyển gỗ và lâm thổ sản. Lao động chủ yếu bằng sức người. Rìu, dao, cưa, cuốc, xẻng là công cụ lao động chính.

Xóm núi với hơn một trăm hai mươi hộ dân. Ba dân tộc là Dao, Tày và Kinh, quây tụ hai bên sườn núi. Nhiều năm qua, thấy lợi từ lâm nghiệp, đồng bào đua nhau phát triển kinh tế rừng. Hộ ông Triệu Văn Huỳnh có 23ha rừng keo và mỡ; ông Phan Văn Đôn có 20ha; Hộ bà Nông Thị Lều và hộ anh Triệu Đức Thái đều có 15ha. Màu xanh rừng góp tô xanh màu núi. Ở Roàng, những người đã gắn bó với lâm nghiệp đều có cuộc sống ổn định, nhiều người giàu có.

Ở Roàng, những người đã gắn bó với lâm nghiệp đều có cuộc sống ổn định, nhiều người giàu có
Ở Roàng, những người đã gắn bó với lâm nghiệp đều có cuộc sống ổn định, nhiều người giàu có

Sức người làm lên tất cả

Bà Vũ Thị Thơm, sinh năm 1952, tuổi con rồng, tâm sự, quê bà ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Năm 1971, theo phong trào đi xây dựng kinh tế mới, bà lên Tuyên Quang làm công nhân lâm trường. Đến nay, cuộc sống đã ổn định và đủ đầy.

Còn ông Lê Tiến Hạm, 81 tuổi, một “lão lâm” khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có chút hài hước. Quê ông ở Đan Phượng, Hà Nội. Năm 1963, chàng trai xứ Đoài lên Tuyên Quang theo tiếng gọi của Đảng; “Xây dựng kinh tế miền núi, tiến kịp miền xuôi”. Trong căn nhà gỗ, ấm trà thơm bốc khói. Ông Hạm ngân nga một giai điệu cũ:

“Anh đi khai phá miền Tây/Rừng núi bao la bừng giấc say/Anh khai đất hoang thành luống cày/Mai kia mừng ngô lúa nặng tay”…

Ông Hạm cưới vợ năm 1968 thì năm 1969 lên đường nhập ngũ. Đất nước chiến tranh, nhiều công nhân rừng lại khoác vào mình màu xanh áo lính. Bà Hợi (vợ ông) bám rừng, vò võ ngóng tin chồng. Những năm đó, đâu chỉ riêng bà, mà cả nước hướng về miền Nam ruột thịt.

Rất nhiều phụ nữ ở lâm trường và phụ nữ miền Bắc nói chung cùng cảnh ngộ. Giải phóng miền Nam, vợ chồng ông bà mới được sum họp. Ba người con lần lượt ra đời. Ông bà chung tay, chắt chiu gây dựng kinh tế, nuôi con ăn học và trưởng thành.

Nghỉ hưu, ông bà cùng 5 hộ dân nhận khoán 5ha rừng của Lâm trường. Cây rừng đã ngấm vào máu thịt của họ. Cây đã cho ông bà bóng mát, che chở khi về già. Tôi hỏi vui ông Hạm, nếu được một điều ước, ông chọn nơi nào để dưỡng già? Không phải suy nghĩ lâu, ông lão tươi cười bảo: Vẫn là nơi đây, nơi ngày xưa “khỉ ho cò gáy”. Mình ở rừng quen rồi, mở mắt là thấy màu xanh. Ở đây, không khí trong lành, xóm làng thân thiện. Bao đời cây gắn liền đời người.

Chia tay Roàng khi hoa mận, hoa đào đang khoe sắc chào đón mùa Xuân mới đang về, tôi theo suối Roàng ra tận cửa sông Lô. Tự nhiên, trong tôi thấy bùi ngùi. Tôi nhớ những cánh rừng, thương từng mạch nước đầu nguồn. Tôi nghĩ đến bao lớp người miền xuôi, miền ngược gắn đời mình với rừng, với suối. Tôi ôm đá vào lòng, và thầm hỏi: Roàng ơi, ai đã về đây?... 

Roàng là tên một đỉnh núi, cũng là tên một con suối, khởi nguồn từ đây. Núi và Suối mang trong mình một huyền tích, bí ẩn. Từ TP. Tuyên Quang đến đỉnh Roàng chỉ chừng ba chục cây số. Ngàn xưa tới nay, đỉnh núi vẫn mây sương bao phủ và suối dung nạp rất nhiều nguồn nước từ những cánh rừng đại ngàn, lượn vòng quanh rồi hòa vào dòng nước chảy ra sông Lô.”

Tin cùng chuyên mục
Vị Xuyên hôm nay...

Vị Xuyên hôm nay...

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, trở thành một điểm nóng ác liệt. Ở đây, những câu chuyện về sự hi sinh của người lính đã trở thành một bản anh hùng ca bất diệt. Và sự “thay da đổi thịt” ở mảnh đất này ngày hôm nay làm càng tôn lên giá trị của hòa bình, mang theo đó là những ước vọng nơi biên cương Tổ quốc.